Vấn đề đặt ra hiện nay là cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò, vị trí của nông nghiệp và tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả. Nhiều năm nay, một trong những trăn trở là tìm ra được những hình thức tổ chức thích hợp để đảm bảo sự ổn định trong sản xuất, phù hợp với tiến trình CNH, HĐh nông nghiệp – nông thôn, nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế với mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập và cải thiện đời sống của mọi tầng lớp nông dân.
Cùng với các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp truyền thống như kinh tế, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhà nước mà lâu nay được đổi mới, cải tiến thì kinh tế trang trại (KTTT) cũng là một hình thức được quan tâm nghiên cứu và mở rộng ở các vùng, những địa bàn thích hợp.
Sở dĩ KTTT có động lực phát triển là do những ưu thế sau đây:
Một là, KTTT có quy mô lớn hơn kinh tế hộ gia đình truyền thống nên những người có đầu óc kinh doanh mới có ý chí và say mê phát triển trang trại, từ đó họ phải tính toán chi ly thiệt hơn từ chuyển đổi ruộng đất, vay vốn, đầu tư khoa học- công nghệ, tìm thị trường đầu vào và đầu ra… để kinh doanh có hiệu quả. Tất nhiên, mọi sự khởi đầu bao giờ cũng suôn sẻ, có lúc phải chịu thua thiệt nhưng qua đó rút kinh nghiệm để tiếp tục phát triển hiệu quả hơn.
Hai là, việc sản xuất ra nhiều nông sản không chỉ là mục đích duy nhất của trang trại, mà các trang trại phát triển con góp phần tạo ra sự thịnh vượng đối với sự tiến bộ toàn diện trong cuộc sống nông thôn, như tạo ra sự đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh tại địa phương, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội (đường sá, nhà ở, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa…) làm cho đời sống ở nông thôn từng bước được cải thiện.
Ba là, KTTT góp phần tổ chức lại lao động ở nông thôn theo sự phân công lao động hợp lý. Những người có đầu óc kinh doanh, có tiềm lực lớn về kinh tế và khoa học – công nghệ sẽ đảm đương nhiệm vụ quản lý dù họ là ông chủ trang trại, còn những người ít đất, sản xuất tự cung tự cấp có thể tham gia hợp tác với trang trại, trở thành thành viên thường xuyên hoặc thời vụ và họ có điều kiện chuyên môn hóa trong lao động sản xuất, từ đó mà lao động của họ đỡ vất vả hơn, thu nhập ổn định và nâng cao.
Bốn là, KTTT có tác động nhất định đối với sự phất triển kinh tế ở các khu vực, địa phương cũng như cuộc sống và sự thịnh vượng của khu vực nông thôn ven các đô thị, tại các khu vực chậm phát triển sẽ là cơ hội để cải thiện và nâng cao mức sống cho dân , tiền đề để CNH, HĐH tại các khu vực đó.
Năm là, KTTT bền vững hơn so với hộ gia đình thuần túy. Các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn khẳng định rằng, trang trại có khả năng sinh lợi và hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế so với kinh tế hộ gia đình, đồng thời các trang trại có khả năng quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn tính đa dạng sinh học và đảm bảo tính ổn định của sản xuất tốt hơn so với người nông dân cá thể.
Sáu là, KTTT góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng. Khu vực đồi núi, biên giới, hải đảo (đây là những khu vực trọng yếu, có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ nguồn nước cho các con sông và hệ thống thủy điện, thủy lợi) thường là những khu vực rất giàu tiềm năng đất đai nhưng lại kém phát triển, người dân nghèo khó, thiếu việc làm. Nếu trang trại được phát triển tốt ở vùng này với những chính sách phù hợp thì trật tự an ninh biên giới được tăng cường và đảm bảo.
Lợi nhuận bình quân từ KTTT đạt gần 120 triệu đồng/ trang trại, cao gấp 15 lần so với lợi nhuận bình quân của nông hộ.
Giá trị sản phẩm hàng hóa của các trang trại cao hơn mức bình quân chung của cả nước từ 7 – 10%.
Tỷ lệ hàng hóa của nhiều trang trại đạt hơn 90% như ca cao, cà phê, cao su…
Một số trang trại đã kết hợp sản xuất và chế biến, nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Điều đó cho thấy, KTTT có sức lan tỏa khá mạnh, được sự hưởng ứng của nhiều nông dân có kiến thức và tiềm lực kinh tế, năng lực kinh doanh, nhất là trong điều kiện chuyển sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.
Điều này cũng phù hợp với thực tế phát triển trang trại của thế giới: chỉ khi kinh tế TBCN phát triển, có nghĩa là kinh tế thị trường mở rộng thì KTTT của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ phát triển mạnh cả về tốc độ và quy mô.
Cũng do xu thế khách quan của KTTT và lợi ích của nó mang lại cho nền nông nghiệp hàng hóa nên Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách để khuyến khích phát triển trang trại.
Một số định hướng giải pháp phát triển KTTT ở nước ta trong thời gian tới
Văn kiện đại hội XI của Đảng đã nêu: “Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”. Như vây, phát triển KTTT là một chủ trương lớn và phù hợp của Đảng và Nhà nước ta.
Để KTTT phát triển bền vững, hiệu quả, theo chúng tôi cần một số định hướng giải pháp lớn sau đây:
Một là, về quan điểm và nhận thức, phải xem KTTT là một trong các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp đối với nông nghiệp nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Trong quan hệ sản xuất đối với nông nghiệp hiện nay ở nước ta, tùy theo trình độ của lực lượng sản xuất mà có các hình thức tổ chức sản xuất đa dạng, bao gồm kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và một bộ phận kinh tế nhà nước trong nông nghiệp, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có KTTT với lực lượng sản xuất tương đối cao hơn so với kinh tế hộ nông dân cá thể.
Các hình thức sở hữu và tổ chức sản xuất này không loại trừ nhau mà có sự liên kết, hợp tác cùng có lợi và chính KTTT cũng ngày càng mở rộng hợp tác giữa các trang trại với nhau và với các hình thức tổ chức sản xuất khác để kinh doanh thích ứng với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KTTT, bao gồm, môi trường chính trị, kinh tế, pháp luật, tâm lý…
- Về chính trị, cần tạo cho mọi người nhận thức được phát triển KTTT là một hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, từ đó tạo môi trường tâm lý thuận lợi ủng hộ làm giàu chính đáng
- Về môi trường kinh tế, vấn đề quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá đầu vào và đầu ra của trang trại ít bị xáo trộn, tạo thuận lợi cho chủ trang trại được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
- Về môi trường pháp luật, quan trọng nhất là bổ sung và sửa đổi Luật Đất đai, đảm bảo cho chủ trang trại được tích tụ ruộng đất với giới hạn thích hợp, nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài để họ an tâm đầu tư sản xuất – kinh doanh.
Ba là, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách đối với KTTT theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000, bao gồm một số chính sách lâu dài của Nhà nước đối với KTTT như chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách đầu tư, tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, môi trường, chính sách thị trường, chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại.
Bốn là, hỗ trợ các trang trại để giải quyết một số khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức sản xuất – kinh doanh cho các chủ trang trại, hỗ trợ vốn thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, thủy lợi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các chủ trang trại phát triển kinh tế tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với KTTT, đảm bảo cho KTTT phát triển đúng hướng, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao. Trong kiểm tra, kiểm soát phải đặc biệt lưu ý tới tư cách pháp nhân của chủ trang trại, đảm bảo người kinh doanh trang trại phải thực sự là người hoạt động kinh doanh về nông nghiệp, Ngoài ra cần kiểm tra, kiểm soát việc khai phá đất rừng để làm trang trại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái./.