Chia sẻ của ông Francesco Trần Văn Liêng, thương gia 20 năm kinh nghiệm trong ngành Cacao & Sô cô la tại Việt Nam có thị trường xuất khẩu đến Mỹ, Châu Âu và tại các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên quốc tế trước câu chuyện thuế quan 46% của Tổng thống Mỹ Donal Trump (TT Trump ) áp cho Việt Nam
(Trích từ nội dung trả lời phỏng vấn của Bản tin Thời sự Đài truyền hình HTV phát sóng ngày 5/4/25)
Chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng trước con số 46%. Theo Tôi thì cần bình tĩnh hơn, có cái nhìn bao quát hơn
Thuế 46% này chưa có hiệu lực cho đến ngày 9/4 có nghĩa là “đòn khói (nghi binh)”.
Tôi nghĩ đây là một động thái của TT Trump nhiều hơn là một quyết định có tính quyết tâm
Và Chính phủ Việt Nam mình cũng đã đón nhận để có động thái xử lý vấn đề khá nhanh, bắt đầu lên kế hoạch đàm phán và hy vọng đến ngày 9/4 sắp tới sẽ có sự thay đổi tích cực.
Tôi nghĩ đầu tiên là xem xét % xuất khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo số liệu Tôi được biết là khoảng 35%, vậy có nghĩa là 65% còn lại là Việt Nam vẫn mở và đi được nhiều thị trường trên thế giới; cho nên nếu nói bị ảnh hưởng thì chúng ta nên khuôn biệt lại khoảng 35% của xuất khẩu Việt Nam.
Và nói một cách cụ thể hơn nữa, thì trong 35% này thì có đến 70% là FDI, tức là các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, là điện tử, điện thoại, các sản phẩm về công nghệ.
Tôi lo lắng hơn về nông sản, hải sản, đây là ngành bị ảnh hưởng thấy rõ.
Thế thì bây giờ vấn đề là giá của nông sản, ví dụ như Vinacacao của chúng tôi. Vinacacao (theo Tôi) đã có “siêu” bảo vệ rõ, bởi vì phần lớn các mặt hàng của Vinacacao là mặt hàng đã có thương hiệu từ lâu.
Và giá Vinacacao vào thị trường là giá retail (bán lẻ), tức là giá đến tay người tiêu dùng, và nơi tiêu thụ sản phẩm của Vinacacao chính là trong siêu thị, các chuỗi cửa hàng, nhà phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng chứ không phải mặt hàng raw material (nguyên liệu thô/nguyên liệu đầu vào) nên cơ bản như ca cao và sô cô la của Vinacacao không bị ảnh hưởng gì nặng nề, bởi vì xét trên mặt bằng về sức mua của người Mỹ và người Việt Nam thì chúng ta cũng thấy rõ là của họ cao hơn chúng ta.
Các bạn biết là ngành cacao của chúng tôi tăng lên gần 300% giá nguyên liệu đầu vào. Trước đây khoảng 3.000 USD/1 tấn hạt cacao còn bây giờ lên 10.000 USD/tấn hạt Nhưng tại sao Vinacacao vẫn có thể kinh doanh và hoạt động ổn định? Vì khả năng giảm sốc của mình sẽ tăng khi bạn kéo dài chuỗi cung ứng một chút và biết cách phân bổ rủi ro cho từng chuỗi cung ứng cũng như làm thương hiệu tốt, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm
Và cuối cùng là gì? Là khách hàng sẽ trung thành vì thương hiệu chứ không phải là trung thành vì giá cả
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình không lo cho các bác nông dân trồng cà phê, ca cao, nuôi tôm cá. Nhưng chắc chắn với sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ VN, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tìm được phương án tối ưu.
01 thông điệp gửi gắm đến phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp là chúng ta nên bắt đầu làm sản phẩm, bán thành phẩm xây thương hiệu, cân đối lại, đừng chỉ làm về nguyên liệu thôi để đa dạng hóa thị trường.
Tôi lấy 1 ví dụ về giá. Một sản phẩm mình bán 01$, xuất khẩu thì bạn cộng thêm 46% nữa là 1,46$. Nhưng khi ra thị trường bán lẻ ở Mỹ, có thể tăng lên là 310%. Thì các bạn biết là do tăng về giá đầu vào, nhưng cái giá bán lẻ sẽ được tính toán đủ tốt đủ tốt để nó gánh nhiệm vụ giảm sốc. Giảm sốc tức là việc tăng % thuế này của Mỹ đó không phải chỉ áp dụng song phương như với Việt Nam, mà đây là một hình thức áp dụng đa biên.
Có nghĩa là hầu hết 201 quốc gia trên thế giới này, đều bị áp về thuế đối ứng, có nghĩa là họ sẽ nâng mặt bằng lạm phát của cả thế giới lên. Mà khi mặt bằng lạm phát của cả thế giới lên có nghĩa là giá sẽ tăng lên. Mà giá tăng lên thì những cái mặt hàng như Việt Nam nói riêng vô thị trường Mỹ sẽ được giảm sốc, tức là người Mỹ sẽ cảm thấy là giá tăng đều khắp mọi nơi.
Trách nhiệm này thuộc về nhà nhập khẩu Mỹ. Họ sẽ điều chỉnh tái phân bổ chi phí phát sinh để trung hòa vào chuỗi cung ứng do người Mỹ đã có sức chịu đựng giá trong nước tăng (do lạm phát hoặc do kinh tế Mỹ suy thoái) hoặc quay lại thương lượng giảm giá với người bán hàng Việt Nam.
Tất cả các mặt hàng của Mỹ, từ điện thoại di động 15-20%, xe hơi 20-30%, đơn giản là mua trứng thôi thì bây giờ cũng là 56%. Điều này tạo ra “kháng thể” mới cho người tiêu dùng Mỹ. Nói cách khác, người Mỹ quen với việc này, bởi vì quá nhiều mặt hàng tại thị trường Mỹ đã đều tăng. Tôi nghĩ người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm thấy không quá sốc với vấn đề thuế quan này.
Riêng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên trang bị “sức khỏe” thương lượng khi bị đòi giảm giá (nếu có) để đi đến thỏa thuận hợp lý cho hai bên
Và các doanh nghiệp Việt Nam mà đi sâu vào branding (xây dựng & phát triển thương hiệu) tốt thì theo Tôi khách hàng mua hàng không phải là mua bằng giá không thôi, khách hàng sẽ mua hàng vì người ta yêu thích cái sản phẩm đó, dĩ nhiên khi đã branding là sản phẩm của bạn đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.
Người tiêu dùng cảm thấy rằng sản phẩm này ngon, đúng với tiêu chuẩn mình mong muốn và họ vẫn chọn lựa dù nó có thể bị tăng giá nhưng giá đó sẽ được cân để giảm sốc, người tiêu dùng sẽ không một sớm một chiều thay đổi sản phẩm mình trung thành & yêu thích bằng một sản phẩm khác chỉ vì giá và trong bối cảnh cả thế giới đều đang bị tác động chứ không phải trường hợp riêng biệt gì.
Bạn thấy đấy, nước đã lên, thì toàn bộ các con thuyền đều lên, chứ không phải riêng Việt Nam. Cho nên Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam mình đủ bản lĩnh đón nhận. Và lời khuyên từ cá nhân Tôi là hãy cùng chờ 02 năm (2025, 2026)
Nếu chính quyền hiện tại có thể vượt qua được cuộc bầu cử giữa kỳ (mid-term election ) thì tất cả cùng nỗ lực vượt qua cho đến 02 năm kế tiếp. Còn nếu không vượt qua được thì có một chuyển biến khải hoàn rồi, bởi vì sẽ không dễ dàng áp dụng những mức thuế mà cả thế giới đều kêu ca, đều chỉ trích. Người Mỹ sẽ biết cái gì là đúng và cái gì cần sửa chữa sai lầm.
Tôi tin rằng là năm 2026 sẽ là năm định đoạt lại những chính sách như thế này nó có khả năng tồn tại không. Và vì vậy chúng ta cần chờ đợi trong chủ động.
Việt Nam mình là một quốc gia rất là hay và khả năng ứng phó tốt. Rõ ràng Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ rất hiệu quả trong việc mở nền kinh tế và đồng thời đối phó được biến động. Bởi vì nếu mà bạn đóng cửa, bạn không làm gì hết, thì cái sốc của thế giới nó không ảnh hưởng gì bạn hết. Nhưng khi cửa đã rộng mở, thì đương nhiên bạn sẽ đối phó rất nhiều.
Việt Nam ta xuất khẩu sang Mỹ chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu, trong đó FDI chiếm 70% (điện tử, điện thoại… ) và tạm nhập tái xuất (dệt may … ) và nông sản, hải sản, đồ gỗ… Điều này có nghĩa là những “đại bàng” như Nike, Intel, Sangsung bị “trúng tên” trước.
Các doanh nghiệp FDI đã theo mình có thể là 20-30 năm. Và thực sự họ đã kiếm được rất nhiều tiền tại Việt Nam. Sự tích lũy lợi nhuận của họ có thể là có đủ để có chịu đựng được một vài năm.
Tuy vậy nếu được thì Tôi nghĩ Chính phủ nên dùng biện pháp mạnh hơn để chứng tỏ cho các doanh nghiệp FDI thấy rằng là Chính phủ VN luôn đồng hành với họ.
Ví dụ như hiện nay là đất, bất động sản tăng sẽ hủy hoại tính cạnh tranh của các nhà máy đặt tại Việt Nam.
Người ta luôn luôn nghĩ rằng làm bán đất xây nhà sẽ tốt hơn là mở hàng xưởng nhà máy. Thì đó là 1 điểm làm trùng.
Chính phủ Việt Nam nên dũng cảm: Giảm mạnh thuế đất hoặc là tiền thuê đất. Thậm chí có những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thị trường Mỹ thì nên ưu đãi giảm bằng 0 để họ có dư địa chi phí sản xuất và đối phó được với 46%. Chính phủ ta mạnh dạn hỗ trợ giảm trong 02 năm để chờ đợi đến động thái bầu cử giữa kỳ của chính quyền Mỹ hiện tại. Vì chính người Mỹ họ cũng đã phải suy nghĩ xem những chính sách này đang đại diện cho cái gì? Thật sự mang lại được lợi ích gì cho nước Mỹ.
Tổng kết lại, chúng ta thấy cơ hội trong rủi ro, có thể nhìn thấy xấu nhưng nó trở thành tốt. Bởi vì đây là lúc khi họ thay đổi thì mình cũng thay đổi để thích nghi và đáp ứng để phát triển
Và cái cuối cùng là mình xin lặp lại là cùng chờ đợi và cùng tin vào khả năng bản lĩnh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ đàm phán được những thỏa thuận có lợi hài hòa và hợp lý, mang về được thắng lợi, kết quả khả quan nhất cho kinh tế Việt Nam